Phương pháp Agile Scrum là một phương pháp phát triển phần mềm lặp đi lặp lại và cực kỳ linh hoạt, ưu tiên sự hợp tác, khả năng thích ứng và tốc độ.
Trong Agile, QA đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng các nhóm Agile Scrum cung cấp các sản phẩm phục vụ nhu cầu của khách hàng, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cần thiết và phân phối sản phẩm đến người dùng một cách nhanh nhất.
Với kinh nghiệm nhiều năm áp dụng Agile Scrum vào phát triển sản phẩm Garoon tại Cybozu Việt Nam, bài viết xin giới thiệu về vai trò của QA trong các nhóm Agile Scrum và chia sẻ cách làm sao để QA có thể tối đa hóa hiệu quả công việc và sự cộng tác của mình để đóng góp vào thành công chung của nhóm.
1. Tư duy kiểm thử Agile Scrum
Trong phát triển Agile, “kiểm tra sớm, kiểm tra thường xuyên” là chìa khóa. Vì vậy, kiểm thử không chỉ là trách nhiệm của QA mà được tích hợp xuyên suốt quá trình phát triển. QA làm việc chặt chẽ với các Developer và các thành viên khác trong nhóm để đảm bảo rằng các hoạt động kiểm thử được tiến hành liên tục và tất cả vấn đề được phát hiện và giải quyết nhanh chóng. Điều này đòi hỏi sự thay đổi tư duy khi từ vai trò của một QA theo phương pháp truyền thống sang phương pháp Agile vì QA phải:
- Nắm bắt các nguyên tắc linh hoạt, hợp tác và cải tiến liên tục của Agile Scrum.
- Phát triển kỹ năng giao tiếp để cộng tác với các thành viên khác trong nhóm một cách hiệu quả.
- Chủ động xác định các vấn đề tiềm ẩn và đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình phát triển.
2. Vai trò của QA trong Agile Scrum
QA tham gia tích cực vào các sự kiện của Scrum, bao gồm Sprint Planning, Daily Scrum, Scrum Review, Scrum Retrospective, và Sprint. Sự tham gia của họ vào các sự kiện này giúp đảm bảo rằng chất lượng được duy trì trong suốt quá trình phát triển:
Sprint Planning: đóng góp vào quá trình lên kế hoạch Sprint bằng cách cùng team tinh chỉnh backlog và điều kiện chấp nhận (acceptance criteria) của backlog và ước tính cost cần cho công việc kiểm thử.
Daily Scrum: cung cấp thông tin cập nhật về tiến độ thực hiện kiểm thử, chia sẻ các vấn đề mà QA gặp phải, và thúc đẩy tính minh bạch và hợp tác trong nhóm.
Sprint Review: tham gia đánh giá công việc đã hoàn thành và demo chức năng cho các bên liên quan, đảm bảo rằng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn chất lượng đã xác định.
Sprint Retrospective: chia sẻ những hiểu biết sâu sắc và bài học rút ra trong được trong Sprint, giúp nhóm xác định các mặt cần cải thiện để nâng cao quy trình thử nghiệm nói riêng và quy trình làm việc của nhóm nói chung.
Sprint: Thiết kế và thực hiện các test case, tập trung vào cả test chức năng và phi chức năng, tiến hành kiểm thử thăm dò (exploratory testing) để phát hiện các bug.
3. Trách nhiệm chính của QA trong Scrum team
Trong các nhóm Agile Scrum, QA có một số trách nhiệm chính góp phần vào thành công chung của nhóm:
Tạo test plan và thiết kế test case: phối hợp cùng với Product Owner, các Developer, và các thành viên khác trong nhóm để lập kế hoạch test và thiết kế các test case hiệu quả phù hợp với mục tiêu của nhóm.
Thực hiện kiểm thử: tiến hành các hoạt động test trong suốt quá trình phát triển, bao gồm kiểm thử thủ công, kiểm thử tự động và kiểm thử thăm dò, để xác định và báo cáo lỗi.
Tự động hóa kiểm thử: góp phần phát triển và duy trì các kịch bản kiểm thử tự động để đảm bảo rằng chúng có thể chạy hiệu quả như một phần của quá trình release và tích hợp liên tục.
Báo cáo và quản lý bug: báo cáo, theo dõi và quản lý bug, hợp tác chặt chẽ với các Developer để đảm bảo rằng các vấn đề được giải quyết kịp thời và hiệu quả.
Cải tiến liên tục: chủ động xác định các cơ hội để cải thiện quy trình kiểm thử, áp dụng các công cụ và kỹ thuật mới nếu cần để nâng cao khả năng kiểm thử của nhóm.
Phản hồi: cung cấp phản hồi cho các Developer và các thành viên khác trong nhóm về chất lượng của phần mềm, giúp xác định các khu vực cần cải tiến và tối ưu hóa.
Hợp tác đa chức năng (cross functional): làm việc chặt chẽ với các Developer và các thành viên khác trong nhóm trong một nhóm đa chức năng, chia sẻ kiến thức và chuyên môn.
Đào tạo thành viên cho nhóm: hướng dẫn các QA mới và thành viên khác trong nhóm về quy trình kiểm thử và các phương pháp kiểm thử hay.
4. Phát triển kỹ năng của QA trong nhóm Agile Scrum
Để tối đa hóa hiệu quả của QA trong các nhóm Agile Scrum, QA phải tập trung phát triển các kỹ năng và liên tục mở rộng kiến thức cũng như chuyên môn của mình:
- Kỹ năng để xây dựng mối quan hệ và sự tin tưởng với các thành viên khác trong nhóm, thúc đẩy tạo ra một môi trường để tất cả thành viên đều cảm thấy thoải mái khi chia sẻ ý kiến, ý tưởng của mình.
- Phát triển sự hiểu biết sâu sắc về sản phẩm để đảm bảo chất lượng và có thể xác định các rủi ro tiềm ẩn trong những kì release sản phẩm.
- Liên tục học hỏi và mở rộng bộ kỹ năng mềm như kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, nắm bắt các tool, kỹ thuật mới và các phương pháp hay nhất để theo kịp các xu hướng.
Nhìn chung, vai trò của QA trong thế giới Agile Scrum là rất quan trọng với nhiều trách nhiệm cũng như đòi hỏi sự phát triển liên tục của bản thân. Nếu bạn là một QA trong môi trường Agile Scrum, hãy luôn cố gắng hoàn thiện kỹ năng cho công việc cũng như các kỹ năng mềm để có thể hoàn thành thật tốt vai trò đảm bảo chất lượng sản phẩm nhé.